Xác định mục tiêu marketing càng cụ thể bao nhiêu sẽ càng hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu dài hạn hiệu quả bấy nhiêu. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến tính hiệu quả và khả thi của mục tiêu mà mình đặt ra, điều này dẫn đến những khó khăn về sau khi kế hoạch đã được triển khai và mô hình SMART ra đời để giải quyết vấn đề này.
Thiết kế website miễn phí -Marketing theo phong cách riêng của bạn
Mô hình SMART là gì?
Mô hình SMART là mô hình thiết lập mục tiêu hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp hay các chuyên gia Marketing thiết lập và đánh giá tính cụ thể, mức độ khả thi, sự liên quan và tính hợp lý của các mục tiêu trong kế hoạch với 5 tiêu chí: Specific (Cụ thể) – Measurable (có thể Đo lường được) – Actionable (Có Khả thi) – Relevant (Sự Liên quan) – Time-Bound (Thời hạn đạt được mục tiêu). Hay nói cách khác, mô hình SMART được áp dụng để giúp cho doanh nghiệp xác định được mục tiêu marketing phù hợp với chiến lược kinh doanh theo từng thời điểm khác nhau. Ngoài ra, mô hình này còn hỗ trợ doanh nghiệp xem xét và hoàn thiện hơn quy trình vận hành kinh doanh của mình.
Cách xác định mục tiêu thực tiễn bằng mô hình SMART
Khi thiết lập mục tiêu marketing tương lai cho kế hoạch marketing các doanh nghiệp cần xem xét mức độ cần thiết của từng phương pháp. Mô hình SMART đóng vai trò như một “chuyên gia” giúp cho doanh nghiệp kiểm tra và chắt lọc cho mình những phương pháp hiệu quả nhất. Mô hình SMART được giải thích cụ thể như sau:
- S – Specific (mục tiêu phải cụ thể, chi tiết và dễ hiểu) – Các thông tin phải chi tiết đủ để xác định vấn đề hoặc cơ hội. Mục tiêu có đủ chi tiết để đo lường các vấn đề và cơ hội thực tế hay không?
- M – Measurable (mục tiêu có thể đo lường được) – Có thể áp dụng các thuộc tính định lượng hoặc định tính để tạo ra một hệ thống đo lường không?
- A – Actionable (tính khả thi của mục tiêu) – Những thông tin có được sử dụng để cải thiện năng suất làm việc hay không? Nếu mục tiêu đề ra không làm thay đổi thái độ của nhân viên để giúp họ cải thiện năng suất làm việc thì phải chăng đã có vấn đề gì đã xảy ra?!
- R – Relevant (sự liên quan)– Mục tiêu đề ra có phù hợp với tầm nhìn chung của doanh nghiệp và đáp ứng được các vấn đề mà nhà marketer đang phải đối mặt không?
- T – Time-Bound (thời hạn để đạt được mục tiêu đã đề ra) –Các mục tiêu có thể được thiết lập và thực hiện trong các khoảng thời gian như đã đề ra hay không?
Trên thực tế, mô hình SMART được diễn giải theo nhiều cách khác nhau, bạn có thể tham khảo thêm các định nghĩa về mô hình này thông qua Wikipedia. Hoặc bạn cũng có thể nắm 5 yếu tố của mô hình này qua bảng tóm tắt sau của chúng tôi:
Ví dụ cho các mục tiêu được thiết lập theo mô hình SMART
Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu cho những mục tiêu marketing được thiết lập với mô hình SMART, bao gồm những mục tiêu hỗ trợ kế hoạch chuyển đổi khách hàng tiềm năng sang khách hàng sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp (conversion), thu hút khách hàng mới (customer acquisition) và các danh mục giúp duy trì khách hàng (Retentioncategories) cho Digital Marketing:
Mục tiêu tăng sự nhận biết từ kênh Digital: đạt được 500,000 truy cập từ các kênh trực tuyến trong vòng 1 năm.
Mục tiêu đạt doanh thu từ kênh Digital: đạt được 10% doanh thu từ kênh trực tuyến trong vòng 2 năm.
Mục tiêu thu hút khách hàng mới: đạt được 10.000 khách hàng trực tuyến mới trong năm tài chính với mức CPA (cost per acquisition) trung bình là 150,000 VND mỗi người cùng với mức lợi nhuận trung bình là 50,000 VND.
Mục tiêu chuyển đổi: tăng giá trị trung bình trên mỗi đơn hàng trực tuyến lên 700,000 VND mỗi khách hàng.
Mục tiêu tương tác: tăng số lượng khách hàng mua sắm tích cực (active customer) trong một quý lên 500 người.
Sau khi đọc bài viết này hy vọng các bạn sẽ hiểu được mô hình SMART là gì cũng như sẽ lập được mục tiêu marketing tối ưu cho mình. Chúc bạn thành công!