X

Chia sẻ về vòng đời của một tên miền

Bất kỳ ai khi muốn mua tên miền đều phải tìm hiểu về vòng đời của nó. Tất cả các tên miền đều có xuất phát điểm giống nhau theo cùng một cách: tên miền còn trống và bạn có thể đăng ký. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quát nhất về vòng đời của một tên miền từ khi nó hình thành cho đến khi bị xóa. Hiểu được vòng đời của một tên miền bạn có thể giữ lại tên miền hết hạn hoặc khôi phục tên miền bị xóa trong thời gian gần đây.

Tên miền không phải là của bạn!

Có sự hiểu nhầm đang tồn tại: mọi người cho rằng khi bỏ tiền ra đăng ký tên miền  thì tên miền đó thuộc về họ (hay nói cách khác là họ đã mua tên miền). Điều này hoàn toàn không chính xác vì không ai có thể mua được tên miền! Thật ra tên miền chỉ là một sản phẩm được cho “thuê” và bạn chỉ là người thuê lại tên miền đó mà thôi. Ngay cả tên miền của Google là Google.com cũng có hạn sử dụng. Và tất nhiên, Google phải gia hạn hợp đồng khi tên miền hết hạn.

Khi đăng ký tên miền, bạn có thể được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu bạn không tiếp tục đăng ký, tên miền của bạn sẽ lại được đem ra “chào sân” và người khác sẽ thuê lại! Hãy lưu ý nhé.

Vòng đời tên miền

Available Domain Names (tên miền khả dụng, tên miền còn trống)

Giai đoạn đầu tiên của vòng đời tên miền là Available Domain Names. Lúc này, tên miền còn trống, chưa có ai đăng ký và bạn có thể sử dụng. Lúc này, tên miền chưa được đăng ký bởi bất cứ một ai và hiện đang có sẵn. Vậy làm sao thể biết tên miền mình sắp đăng ký có available (khả dụng) hay không?

Registered Period (thời gian đăng ký)

Ngay sau khi bạn tiến hành thanh toán chi phí thì tên miền của bạn sẽ bắt đầu hoạt động ngay và luôn. Sau khi hết thời hạn đăng ký, bạn có thể gia hạn thêm nếu muốn giữ lại tên miền. Thường thì các công ty cung cấp dịch vụ tên miền sẽ gửi thông báo thời điểm hết hạn thuê tên miền từ một tháng trở lên. Điều này tạo điều kiện cho bạn gia hạn sớm và không làm gián đoạn hoạt động của trang web.

Expired Period (thời gian hết hạn)

Tên miền sẽ ngừng hoạt động trong vòng 24 giờ kể từ khi hết hạn. Các công ty cung cấp tên miền sẽ chặn và không cho trang web của bạn hoạt động. Nếu bạn muốn khôi phục thì vẫn có thể, tất nhiên là phải trả phí. Đặc biệt, bạn phải lưu ý, khi tên miền hết hạn, bạn không thể đăng kí một tên miền mới y chang như cái cũ được, cách duy nhất là gia hạn!

Redemption (giai đoạn tên miền bị khóa)

Khi thời gian gia hạn kết thúc mà bạn vẫn chưa gia hạn thì tên miền yêu quý sẽ bị khóa trong vòng 30 ngày. Trong giai đoạn này, các công ty cung cấp tên miền tiến hành xóa thông tin về tên miền. Tuy nhiên, còn nước còn tát, bạn vẫn có thể khôi phục lại tên miền vào lúc này nhưng với mức giá khá là “chát”.

Pending Delete Period (thời gian chờ xóa)

Sau 30 ngày chờ mong tiền chuộc từ khổ chủ (chính là bạn) mà không có tin tức gì thì tên miền sẽ được liệt vào danh sách chờ xóa trong vòng 5 ngày. Tại thời điểm này, bạn không thể phục hồi tên miền được nữa. Bạn chỉ có thể đứng nhìn tên miền bị xóa đi mà không làm được gì. Nếu không muốn ai đó giành lấy cái tên miền gắn liền với thương hiệu của bạn thì bạn có thể chờ đến khi nó bị xóa hoàn toàn rồi nhanh tay đăng ký lại.

Kinh nghiệm xương máu: càng sớm càng tốt

Nếu bạn muốn giữ một tên miền thì hãy hành động càng sớm càng tốt. Hãy gia hạn tên miền đúng thời điểm quy định. Nếu vì quá bận rộn mà quên gia hạn tên miền thì hãy hành động càng sớm càng tốt, đừng để tới khi bị khóa hoặc xóa thì mới động thủ thì quá muộn.

Gia hạn sớm giúp bạn tiết kiệm chi phí và giảm nguy cơ bị mất tên miền. Bạn có thể cài đặt tính năng tự động gia hạn kèm theo thông tin tài khoản ngân hàng để hệ thống thanh toán giúp bạn. Khi nào không muốn sử dụng tên miền này nữa thì có thể hủy gia hạn.

Hy vọng với bài viết này bạn đã có thêm những kiến thức về vòng đời của một tên miền. Qua đó, bạn sẽ có thêm kinh nghiệm để quản lý tên miền hiệu quả, đặc biệt là thời gian gia hạn tên miền phù hợp.

>> Xem thêm: Bí quyết đặt tên website độc đáo giúp bán hàng hiệu quả nhất