Vấn đề mang tính thời sự mỗi ngày: Tên miền và thương hiệu (Phần 2)

Linh hoạt trong việc bảo vệ tên miền

Trong sự phát triển mạnh mẽ của Internet và truyền thông xã hội như hiện nay, các “nạn nhân” trong các cuộc tranh chấp tên miền phải chịu trách nhiệm khi đã chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ quyền lợi sát sườn của chính mình. Theo giới chuyên gia thương mại điện tử, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp phải tự tìm hiểu tình hình thực tế, nắm chắc những quy định luật pháp hiện hành và linh hoạt trong cách ứng xử để tự bảo vệ quyền lợi liên quan đến tên miền và thương hiệu của mình. Việc đăng ký nhãn hiệu và tên miền là rất cần thiết nhưng chưa đủ mà cả hai vấn đề này cần phải được bảo vệ một cách đồng bộ và nhất quán như mối quan hệ giữa chúng vậy.

Nhãn hiệu mặc dù đã là của doanh nghiệp, song bên cạnh đó doanh nghiệp cần sớm đăng ký quyền chủ sở hữu của tên miền có chứa từ khóa giống nhãn hiệu, và ngược lại, đối với trường hợp đã đăng ký tên miền cũng cần phải tiến hành đồng thời với việc bảo hộ nhãn hiệu cùng tên. Trên thực tế, chi phí doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện việc đăng ký, bảo hộ các đối tượng được nói trên không đáng kể, còn chi phí để giải quyết các cuộc tranh chấp có thể cao gấp hàng trăm, hàng ngàn lần mà kết quả vẫn không như ý muốn.

Từ những bài học về tranh chấp tên miền tại Việt Nam, giới chuyên gia tư vấn rằng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ tên miền. Trước hết, hãy bắt đầu bằng việc chọn lựa những thương hiệu và tên miền của riêng mình. Kế tiếp, hãy luôn tra cứu trước khi quyết định đăng ký tên miền hoặc nhãn hiệu. Sau đó là tiến hành việc đăng ký tên miền theo kiểu “bao vây”, để không ai có thể đăng ký tên miền giống của doanh nghiệp, tổ chức của bạn về cả cách viết lẫn cách đọc; theo dõi và thực thi quyền sở hữu tên miền một cách triệt để nhất, và cuối cùng, nhờ đến các cơ quan tư vấn về luật pháp khi phát hiện có yếu tố xâm phạm.

Hiểu đúng về việc đăng ký tên miền quốc tế

Nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng việc đăng ký và sử dụng tên miền quốc tế sẽ mang đến nhiều điều tiện ích hơn so với tên miền quốc gia. Trước hết là chúng không bị cơ quan chuyên ngành quản lý hồ sơ, các thông tin đăng ký. Trên thực tế, việc này dẫn đến nhiều sự vi phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tên miền quốc tế.

Theo thông tin từ các cơ quan thanh tra chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cuộc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên trên Internet cho thấy phần lớn các cá nhân, tổ chức đang sử dụng tên miền quốc tế đều không nắm vững các quy định về việc đăng ký, và việc sử dụng tên miền quốc tế ở Việt Nam.

Theo quy định pháp luật hiện hành, Bộ Thông tin và Truyền thông chính là cơ quan thực hiện việc quản lý tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” và tên miền quốc tế mà tổ chức quốc tế đã phân bổ cho các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (theo Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013). Chương III về việc đăng ký và sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam theo Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của bộ này có quy định rõ về việc quản lý và sử dụng tài nguyên Internet. Theo đó, tổ chức quản lý hồ sơ, các thông tin về tên miền quốc tế, thông báo hoạt động, báo cáo đăng ký, và duy trì phải báo cáo với Bộ Thông tin và Truyền thông. Nghĩa là, các chủ thể đăng ký, và sử dụng tên miền quốc tế phải tuân thủ các quy định pháp luật tương tự như các chủ thể đăng ký, sử dụng tên miền “.vn”.

Trên thực tế, Việt Nam hiện có đến hơn 500.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp có hoạt động thương mại điện tử chiếm đến 45% (khoảng 220.000 doanh nghiệp), theo cuộc thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, số lượng chủ thể được báo cáo về việc sử dụng tên miền quốc tế trên trang web Thongbaotenmien.vn chỉ vào khoảng 153.000. Như vậy, vẫn còn khá nhiều tổ chức, cá nhân đang đăng ký và sử dụng tên miền quốc tế mà không tuân thủ đúng các quy định.

Theo quy định tại Điều 23 Luật Công nghệ thông tin, mức xử phạt vi phạm hành chính với những hành vi này theo điểm a, Khoản 1, Điều 41 trong Nghị định 174/2013/NĐ-CP là từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Đối với hành vi cung cấp dịch vụ tên miền quốc tế mà không đăng ký hoạt động, không đáp ứng được một trong các điều kiện để trở thành nhà đăng ký tên miền quốc tế ở Việt Nam thì “án phạt” nặng hơn, khoảng 50 triệu – 70 triệu đồng, theo quy định tại điểm b, Khoản 5, Điều 41 của nghị định nói trên.

Quá trình điều tra để phục vụ cho công tác xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng đã cho thấy ai phạm đều tập trung vào nhóm chủ thể đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế. Trong năm 2016 vừa qua, chỉ riêng số liệu do cơ quan cảnh sát điều tra gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông đã có hơn 30 trường hợp chủ thể sử dụng tên miền quốc tế có hành vi vi phạm, trong khi số lượng tên miền “.vn” đã có hành vi vi phạm tương tự bị phát hiện chỉ vài trường hợp. Một vài chủ thể sử dụng tên miền quốc tế có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, một số khác đã có hành vi vi phạm về việc cung cấp thông tin trên mạng, thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp khi chưa được cấp giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hành vi vi phạm bản quyền…

Trên thực tế, có khá nhiều đại lý đăng ký tên miền quốc tế không thực hiện quy định về xác thực hồ sơ tên miền quốc tế như đối với tên miền “.vn”, đã dẫn đến tình trạng các chủ thể khi đăng ký sử dụng tên miền quốc tế không thực hiện nghĩa vụ thông báo thông tin hoặc đã thông báo không chính xác, không đầy đủ.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong khoảng thời gian tới, việc truyền thông về pháp luật và kiểm tra việc chấp hành những quy định liên quan đến tên miền quốc tế sẽ được đẩy mạnh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

>> Xem thêm: Vấn đề mang tính thời sự mỗi ngày: Tên miền và thương hiệu (Phần 1)


Vui lòng, điền đúng thông tin để chúng tôi gửi lại
kết quả khám bệnh website tổng quát.

Khám bệnh

Lời khuyên: Đừng quảng cáo khi chưa dùng tool này. HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ

Gọi 1800.0098 để tư vấn tốt nhất,
Hoặc THAM KHẢO BẢNG GIÁĐĂNG KÝ DỊCH VỤ

ĐĂNG KÝ QUẢNG CÁO GOOGLE, FACEBOOK